Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng

Là bệnh viện chuyên khoa về tâm thần của tỉnh, những năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực để thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; quản lý, điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần tại cộng đồng, qua đó giúp người bệnh sớm trở về với cuộc sống bình thường.

Đo huyết áp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Bệnh nhân tâm thần khá đa dạng, là những người mắc các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và các dạng tâm thần khác như rối loạn tâm thần cấp, rối loạn hoang tưởng, rối loạn cảm xúc, loạn thần thực tổn, rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu… Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Trong những năm qua, sự phát triển của kinh tế – xã hội cũng đã kéo theo nhiều mặt trái của các vấn đề về sức khoẻ, trong đó các rối loạn tâm thần cũng có nhiều thay đổi. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh ngày càng tăng, nhất là các rối loạn tâm thần do nghiện chất, các rối loạn tâm thần ở người già và trẻ em; tính chất bệnh cũng trở nên phức tạp.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân, thời gian qua, Bệnh viện đã chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Quốc Việt cho biết thêm: Bệnh nhân đến với bệnh viện mắc nhiều dạng rối loạn tâm thần khác nhau, biểu hiện bệnh mỗi người mỗi khác. Hầu hết bệnh nhân không thừa nhận mình mắc bệnh, do đó luôn tìm cách trốn tránh, đối phó với các chỉ định điều trị của bác sĩ, thậm chí nhiều người còn lên cơn kích động đánh lại thầy thuốc. Tuy nhiên, với kiến thức, lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, các y, bác sĩ của Bệnh viện luôn gần gũi, theo dõi, trò chuyện, nắm bắt diễn biến tâm lý, hành vi của người bệnh để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý đối với từng trường hợp. Bệnh viện đề cao nguyên tắc trong hoạt động đó là duy trì và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, khám bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn, chế độ quản lý thuốc, chế độ chăm sóc toàn diện, chế độ hội chẩn, chế độ quản lý buồng bệnh và buồng thủ thuật được thực hiện một cách nghiêm túc đúng quy định. Bệnh viện đã có đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, cần thiết cho chuyên ngành Tâm thần như: Máy Doppler xuyên sọ, máy điện não đồ, máy lưu huyết não, máy sinh hóa máu, nước tiểu, máy huyết học, máy siêu âm… đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện xây dựng, triển khai kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện; tổ chức các hoạt động thực hiện “Cán bộ ngành Y tế đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, từng bước đổi mới tư duy của nhân viên y tế về vai trò người bệnh cũng như thay đổi phong cách, thái độ phục vụ đối với người bệnh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, việc làm bệnh án, ghi diễn biến, kê đơn của Bệnh viện đã được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực, đảm bảo độ chính xác cao; triển khai quản lý người bệnh tâm thần điều trị tại cộng đồng trên nền tảng Web giúp việc quản lý được thuận tiện, chính xác và khoa học. Về công tác dược, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời các thuốc thiết yếu và các trang thiết bị để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Thuốc được quản lý chặt chẽ đúng quy chế, đúng tinh thần của Chỉ thị 05/CT-BYT, đặc biệt là quản lý thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần. Cơ sở y tế được xây dựng “xanh – sạch – đẹp”, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Những hoạt động trên đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cũng như tại cộng đồng, ngày điều trị cắt cơn cấp tính được rút ngắn. Năm 2022, bệnh viện hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu về chuyên môn: thực hiện 5.041 lượt khám bệnh, tăng 11,5% so với năm 2021; điều trị nội trú cho 2.260 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt 102,5% (năm 2021 chỉ đạt 83,1%). 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện khám và điều trị cho trên 1.200 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân khi ra viện đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe, nhiều người đã khỏi bệnh, hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Cùng với công tác khám và điều trị, hoạt động chỉ đạo tuyến và thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cũng được Bệnh viện triển khai thực hiện hiệu quả. Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với các tuyến y tế cơ sở thực hiện việc quản lí, điều trị, phục hồi chức năng tâm lý giao tiếp, lao động nghề nghiệp cho bệnh nhân. Tuyên truyền phòng ngừa các rối loạn tâm thần, xây dựng mạng lưới phát hiện quản lý điều trị ngoại trú những rối loạn tâm thần tại nhà. Mạng lưới quản lý, khám, chữa bệnh ngoại trú được duy trì thực hiện từ tỉnh đến xã, phường. Công tác quản lý, khám, chữa bệnh ngoại trú cho các bệnh nhân tâm thần xã hội được thực hiện lồng ghép vào hoạt động ở tất cả các trạm y tế xã, phường trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh quản lý 9.436 bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần tại cộng đồng, trong đó có 6.470 bệnh nhân tâm thần, 2.756 bệnh nhân động kinh, 486 bệnh nhân trầm cảm. Riêng từ năm 2022 đến nay toàn tỉnh phát hiện mới trên 300 bệnh nhân. Các trạm y tế cấp phát thuốc điều trị tại nhà hàng tháng cho 7.321 người bệnh, đảm bảo điều trị liên tục, giúp người bệnh ổn định, hòa nhập với cuộc sống.

Chia thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Tuy nhiên, trước yêu cầu thực trạng hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu bác sĩ, nhân viên y tế. Nhiều năm qua, bệnh viện không tuyển được bác sĩ mới chính quy mà chỉ có bác sĩ được thuyên chuyển hoặc đơn vị cử đi học; trong khi đó, một số bác sĩ của bệnh viện hiện đã đến tuổi nghỉ hưu. Bệnh viện hiện có 111 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó chỉ có 13 bác sĩ (1 thạc sĩ; 5 bác sĩ chuyên khoa I, 7 bác sĩ), chưa đạt 50% so với chỉ tiêu biên chế. Để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, ngoài việc phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm của các y, bác sĩ, Bệnh viện luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các y sĩ đi học đại học chuyên tu; phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Trung ương thực hiện tốt Quyết định 1816 của Bộ Y tế về việc tăng cường, luân chuyển bác sĩ hỗ trợ cho tuyến dưới. Nhận thức của người dân về các rối loạn tâm thần nói chung tuy đã được nâng cao song vẫn còn hạn chế, hiện tượng giấu bệnh, không khám và điều trị sớm còn phổ biến. Cơ cấu các bệnh tâm thần ngày càng có nhiều thay đổi, tỉ lệ các rối loạn tâm thần nói chung và các bệnh loạn thần do lạm dụng chất nói riêng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc người bệnh nội trú, cũng như quản lý, điều trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng, thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đẩy mạnh xây dựng một môi trường làm việc khoa học, kỷ luật trên tinh thần: “Chủ động – Đồng thuận – Đổi mới – Sáng tạo”. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động toàn bệnh viện, tạo sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách, vị trí việc làm. Thường xuyên cử đội ngũ y, bác sĩ đi học tập, cập nhật các quy trình, kiến thức chuyên sâu mới đảm bảo nguồn nhân lực cả trước mắt và lâu dài, tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo liên tục nhằm bổ sung kiến thức cả về chuyên môn và quản lý cho nhân viên y tế; phấn đấu đến năm 2025 chấm dứt tình trạng thiếu bác sĩ tại Bệnh viện. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho điều trị, cấp phát thuốc đúng quy định; đưa các thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm thế hệ mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động của bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh đến khám và điều trị, quản trị bệnh viện khoa học, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.

Bài và ảnh: Minh Tân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *